Công trình xanh

Sách “Các giải pháp thiết kế công trình xanh ở Việt Nam”.

Tác giả: Phạm Ngọc Đăng, Nguyễn Việt Anh, Phạm Thị Hải Hà, Nguyễn Văn Muôn.

Năm xuất bản: 2014.

Công trình xanh là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng, giai đoạn sử dụng, vận hành, cho đến giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được hiệu quả cao và tiết kiệm sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu và giảm thiểu các tác động xấu đến sức khoẻ của con người và môi trường xung quanh, sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.

Kiến trúc xanh là công trình kiến trúc được áp dụng một cách sáng tạo các giải pháp thiết kế kỹ thuật kiến trúc thân thiện với thiên nhiên và môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu, hài hoà kiến trúc với cảnh quan và sinh thái tự nhiên, tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.

Thành phố xanh hay thành phố bền vững môi trường là thành phố được thiết kế và xây dựng trong điều kiện cân nhắc các tác động môi trường ở vị trí hàng đầu, không những chú ý đến sự thịnh vượng cuộc sống của dân cư đô thị, giảm thiểu nhu cầu tài nguyên đầu vào của thành phố (năng lượng, nước, vật liệu và thực phẩm), mà còn phải bảo đảm thành phố sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất; thành phố bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm không khí sạch, đất sạch và điều kiện sống tốt nhất cho dân cư đô thị.

Phát triển kinh tế - xã hội rất mạnh mẽ trên toàn thế giới trong thế kỷ 20, đặc biệt là ở các nước phát triển, không kèm theo các giải pháp bảo vệ môi trường tương ứng, đã gây ra sức ép rất to lớn lên tài nguyên và môi trường tự nhiên, đã làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị suy thoái và cạn kiệt, năng lượng bị khủng hoảng, gây ra biến đổi khí hậu, đe doạ sự sinh tồn của cả loài người.

Sách trình bày các nội dung:

- Tổng quan và phát triển công trình xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, hệ thống đánh giá - công nhận và cấp chứng chỉ công trình xanh trên thế giới, công trình xanh điển hình của châu Á, tình hình phát triển khu nhà ở xanh tại một số nước trên thế giới.

- Thuận lợi và trở ngại phát triển công trình xanh ở Việt Nam, kiến trúc khí hậu nhiệt đới, kiến trúc truyền thống, chiến lược phát triển công trình xanh.

- Chất lượng môi trường sống trong công trình xanh, không khí trong nhà, ô nhiễm tiếng ồn, chiếu sáng tự nhiên và tầm nhìn của phòng.

- Thiết kế thông gió và kết cấu bao che công trình xanh, che nắng cho cửa sổ, cách nhiệt cho tường, mái cách nhiệt, nền nhà chống nồm, kết cấu bao che của nhà siêu cao tầng.

- Lựa chọn các hệ thống thiết bị công trình xanh, thiết bị thông gió và điều hoà không khí, sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp nước nóng, chiếu sáng nhân tạo xanh tiết kiệm điện, tận dụng ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu chiếu sáng điện.

- Thiết kế cấp thoát nước trong công trình xanh, thu gom và sử dụng nước mưa, giải pháp thoát nước mưa bền vững (SUDS), chống ứng ngập, thoát nước, xử lý và tái sử dụng nước thải.

- Sử dụng vật liệu và cấu kiện xây dựng thân thiện môi trường, hàm chứa năng lượng thấp, ít hoặc không phát thải chất ô nhiễm độc hại đối với môi trường, nguyên vật liệu địa phương, vật liệu tái sinh nhanh, chất thải xây dựng.

- Cây xanh đối với công trình xanh, giảm bức xạ, hấp thụ khí nhà kính (CO2), cây xanh công trình và trong đô thị, thiết kế vườn cây xung quanh nhà, cây xanh trên tường và trên mái nhà, cây xanh và mặt nước.

Ghi tài liệu tham khảo theo IEEE:

[1] P. N. Đăng, N. V. Anh, P. T. H. Hà, N. V. Muôn, Các giải pháp thiết kế công trình xanh ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb Xây dựng, 2014.

Công trình xanh

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn