Ngày hội sách thế giới 23/4

Kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 – 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”(World Book and Copyright Day), trong đó nêu rất rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ. Ngày này được tổ chức hàng năm tại mỗi quốc gia nhằm bảo đảm cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Đây cũng là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.

Ý tưởng về Ngày Sách và Bản quyền Thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha): Vào ngày 23/4 hàng năm (là ngày lễ Thánh Goerge), có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó. Ngày 23/4 còn là ngày mà cả ba đại văn hào của thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác của mọi thời đại. Ngày này cũng là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo. Chính vì vậy, UNESCO mong muốn Ngày Sách và Bản quyền Thế giới sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng - những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại; dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc.

Hưởng ứng chủ trương của UNESCO, đồng thời để khẳng định những giá trị to lớn của sách báo, hơn 10 năm qua, trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực dưới nhiều hình thức và chủ đề phong phú khác nhau, thu hút được  nhiều người tham gia, nhất là  xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các thư viện – nhà xuất bản – cơ quan phát hành – và bạn đọc. Có thể nói khắp nơi đã chào đón Ngày đọc sách thế giới rất nhiệt tình và sôi nổi : Ví dụ “Tặng một cuốn sách - tặng một đoá hồng” là một chiến dịch đặc biệt diễn ra ở nhiều nước trên thế giới nhằm tôn vinh ngày đọc sách thế giới (23-4). Ngoài ra còn có vô số các hoạt động thú vị liên quan đến sách được tổ chức dưới sự khởi xướng và khuyến khích của UNESCO. Đây thực sự là ngày hội của những người yêu quý sách trên khắp hành tinh.

Dưới sự tổ chức của các nhà xuất bản và các thư viện là lễ kỷ niệm “Sách đường phố” dành cơ hội mua sách giá rẻ có kèm thêm chữ ký của tác giả cho những người say mê đọc sách; là dịp để phân phối những sản phẩm quảng bá ngày đọc sách thế giới do UNESCO thiết kế (poster, cờ, bút đánh dấu, áo T-shirt, bưu thiếp v.vv…), hay tặng những cuốn sách còn trong kho cho các khu dân cư nghèo, các thư viện eo hẹp về tài chính: bệnh viện, nhà tù và cả các trại tị nạn, nhà xã hội…

Tại Châu Phi, nhiều bạn trẻ tham gia ngày hội sách tình nguyện đem sách tới nơi người bệnh, người cao tuổi, những người mù loà và cả những người không biết chữ, đọc thành tiếng cho họ nghe.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp công không nhỏ, đó là việc đăng tải các bài báo giới thiệu sách, về văn hoá đọc, về bản quyền và vi phạm bản quyền,... trên báo và tạp chí. Những chương trình phát thanh, truyền hình đặc biệt thuộc thể loại phỏng vấn, tranh luận, trò chơi v.vv… cũng ưu tiên cho các đề tài nêu trên.Tính sáng tạo của các nhà báo, nhà văn trẻ, nhà soạn nhạc, nhà làm phim cũng sẽ được công chúng ghi nhận và tán dương trong ngày hội đọc sách thông qua báo chí.

Hoạt động về quyền tác giả: Ngày này cũng là ngày dành riêng cho việc tuyên truyền nâng cao ý thức của công chúng trong vấn đề bản quyền, là dịp để các luật sư, các tác giả và nhà sáng tạo thảo luận các chủ đề khác nhau về bản quyền, là cơ hội đến tìm hiểu các tổ chức quản lý tập thể và thực tập về luật bản quyền cho sinh viên ngành xuất bản,bản quyền.

Ngoài ra, trong ngày này, bạn có thể thấy Logo của ngày hội đọc sách được dán trên các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, xe lửa, máy bay…và thậm chí có thể gửi đi những lá thư có dán những con tem mang biểu trưng của ngày đọc sách.... Từ hơn 10 năm qua, những hoạt động bổ ích kể trên diễn ra đều đặn ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi. Tại Trung Quốc gần đây đã quyết định thực hiện chương trình thúc đẩy văn hóa đọc, trong đó hoạt động tiêu biểu là “Ngày đọc sách cùng con trẻ” dành cho các bậc phụ huynh khắp cả nước vào ngày 23/4 tới. Đồng thời đã tiến hành một chiến dịch với hàng loạt hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, đặc biệt trong giới trẻ, phụ nữ và nông dân. Chương trình này bao gồm việc giảm giá bán sách, tổ chức các cuộc thi viết về sách, khai trương các thư viện mới ở thành phố và nông thôn, quyên tặng sách cho các vùng sâu, vùng xa hoặc khu vực bị thiên tai…

Trích từ bài viết “Văn hoá đọc và ngày hội sách thế giới 23/4” đăng trên website Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Ngày hội sách thế giới 23/4

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn