Hoàn tất sản phẩm dệt

Sách “Hoàn tất sản phẩm dệt”.

Tác giả: Đào Duy Thái.

Năm xuất bản: 2010.

Sau các quá trình tạo vải từ xơ, sợi, thậm chí từ polymer là quá trình tạo màu và hoàn tất vải. Trước đây, người sử dụng quan tâm nhiều đến độ bền nên mọi chú ý tập trung vào vật liệu và công nghệ tạo vải. Theo sự phát triển của xã hội, người sử dụng quan tâm đến tính thẩm mỹ của sản phẩm dệt may nên các yêu cầu về kỹ thuật tạo màu và kỹ thuật vật liệu phát triển.

Ngày nay, khi năng suất xã hội phát triển cao, cung đã đủ và vượt cầu thì một tiêu chí mới được bổ sung vào chuẩn chất lượng sản phẩm dệt may, đó là tính tiện nghi và an toàn. Tất cả các giai đoạn sản xuất đều tham gia vào việc tạo ra tính tiện nghi và an toàn, nhưng chủ yếu vẫn là giai đoạn hoàn tất. Điều này cho thấy càng ngày người ta càng đánh giá cao vai trò của giai đoạn hoàn tất hàng dệt.

Dưới góc độ kỹ thuật, hoàn tất vải nhằm tới ba loại tác động:

- Tạo ra những tính năng mới mà vật liệu vốn không có.

- Tăng cường những thuộc tính vốn có mà chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng.

- Phục hồi những tính năng vốn có nhưng bị mất đi trong quá trình chế biến ra sản phẩm.

Xét về mặt ứng dụng, hoàn tất có ba mục đích sau:

- Cải thiện bề mặt vải (mượt, bóng, mịn,…)

- Cải thiện các đặc tính liên quan đến may mặc (mềm mại, hút ẩm, cách nhiệt, thoáng khí, ổn định kích thước,…)

- Cải thiện các tính chất liên quan đến quá trình sử dụng bảo quản (không nhàu, không cần ủi, dễ giặt, không bắt bụi, không bắt lửa,…).

Có thể kể ra một số nội dung hoàn tất như: ổn định kích thước, tạo cho vải có dáng đẹp bề ngoài như phẳng, láng mịn, cảm giác mát tay. Khi cần thiết còn làm cho vải không nhàu, không co hoặc có những tính chất đặc biệt như không thấm nước, không cháy, không mốc… Quá trình hoàn tất được chia làm hai loại: hoàn tất cơ học (hoàn tất khô) và hoàn tất hoá học (hoàn tất ướt). Trong áp dụng thực tế, có nhiều lúc không phân định được rõ ràng một quá trình là hoàn tất khô hay hoàn tất ướt.

Nhà hoàn tất ngày nay có nhiều điểm phải quan tâm khi họ chịu trách nhiệm chất lượng cuối cùng của vải. Trong các điểm quan tâm, đó là những kỹ thuật về mặt hoá học, tức là phản ứng hoá học xảy ra với vải, xử lý an toàn khối lượng lớn hoá chất độc hại, an toàn lao động và các vấn đề liên quan đến môi trường không khí và nước thải. Một điểm quan tâm khác là các máy được sử dụng để xử lý vải và làm sao kiểm soát chúng để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng hàng đầu. Vẫn còn một góc độ khác với các yếu tố kinh tế, giá hoá chất, chi phí đầu ra quá trình, chứng nhận chất lượng và tiến độ giao hàng cho khách hàng.

Sách trình bày các nội dung:

- Cơ sở công nghệ hoàn tất.

- Hoàn tất bền giữ nếp, hoàn tất tạo tính tiện nghi, hoàn tất tính bảo vệ.

- Hoàn tất tách nhả bẩn, hoàn tất chậm bắt lửa.

- Hoàn tất bề mặt vải, hoàn tất cấu trúc vải, hoàn tất kết hợp.

Ghi tài liệu tham khảo theo IEEE:

[1] Đ. D. Thái, Hoàn tất sản phẩm dệt. TP.Hồ Chí Minh: Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2010.

Hoàn tất sản phẩm dệt

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn