Khoáng sét trong đất

Sách "Khoáng sét trong đất và khả năng ứng dụng trong lĩnh vực môi trường".

Tác giả: Nguyễn Ngọc Minh, Đào Châu Thu.

Năm xuất bản: 2012.

Nhà xuất bản: Giáo dục Việt Nam.
 


Sét là khoáng vật có kích thước nhỏ nhất nhưng cũng là thành phần vô cơ quan trọng nhất trong đất. Do nằm ngoài giới hạn nhìn thấy bằng mắt thường nên các hạt sét là một "thế giới đầy bí ẩn". Thế giới bí ẩn này dần hiện hữu theo sự tiến bộ khoa học công nghệ của nhân loại. Với các công cụ tân tiến như các loại máy đo nhiễu xạ, kính hiển vi điện tử,... thành phần, cấu tạo và sự chuyển hoá của khoáng sét đã từng bước được xác định. Và cũng nhờ đó mà khoáng sét ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn. 
 

Khoáng sét là các hợp phần khoáng vô cơ có kích thước rất nhỏ, ban đầu được định nghĩa như là các hạt có kích thước nhỏ hơn 2 micromet và nằm ngoài giới hạn hiển thị của kính hiển vi. Đây là định nghĩa của thế kỷ XIX khi mà con người chỉ có duy nhất kính hiển vi là công cụ khám phá khoáng sét.


Các loại khoáng sét thường được cấu tạo từ các "hạt nhân" Si và Al liên kết với nhau qua các cầu nối oxy hay hydroxyl để tạo thành một cấu trúc lớp. Khi đề cập đến các lớp của khoáng sét, các nhà khoa học thường ngụ ý đến hình thái giống như một cuốn sách (với các trang giấy có chiều dài và rộng lớn hơn rất nhiều so với bề dày). Các loại khoáng với hình thái khác nhau thường đi cùng với khoáng sét bao gồm các oxit, quartz, zeolit hay một phần nhỏ các loại khoáng khác có thể tìm thấy trong môi trường địa chất. Tuy nhiên, giới khoa học khi nói về các khoáng sét vẫn thường ngụ ý đó là các lớp silicat có kích thước rất nhỏ, có cấu trúc tinh vi và có những tính chất hết sức đặc biệt. 


Khoáng sét có thể phân bố rải rác khắp nơi hay phân bố tập trung trong các mỏ sét. Chúng được hình thành nhờ các quá trình lý, hoá học ở một số điều kiện "cận bề mặt". Khoảng nhiệt độ mà tại đó khoáng sét có thể được hình thành là 4 - 250 độ C. Ở nhiệt độ cao hơn, các lớp silicat biến đổi và có xu hướng hình thành các hạt có kích thước lớn hơn. Chúng có thành phần không giống như các khoáng hình thành ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn. 


Một số loại khoáng sét có khả năng thay đổi kích thước của chúng nhờ khả năng hấp phụ nước hay các ion phân cực khác. Điều này tạo cho khoáng sét một đặc tính rất đặc biệt, đó là tính trương nở. Mặt khác, khi mất nước, những khoáng sét này có thể co lại và giảm kích thước. Một số vật liệu silicat kích thước nhỏ không có cấu trúc lớp cũng có thể mang một vài đặc tính của khoáng sét, ví dụ như hình thành các gel. Tuy nhiên, tính trương nở là đặc thù chỉ có ở khoáng sét. Thành phần và cấu trúc của khoáng sét là những yếu tố cơ bản được sử dụng để phân loại khoáng sét. Các nhóm khoáng sét smectit, illit, clorit và kaolinit chiếm phần lớn lượng khoáng sét trong tự nhiên.


Sách trình bày các nội dung:

- Khoáng sét: khái niệm, quá trình hình thành, thành phần, cấu tạo, đặc tính hoá lý, phương pháp phân tích.

- Vai trò của khoáng sét đối với tính chất đất, thành phần của khoáng sét trong một số loại đất Việt Nam. 

- Một số nhóm khoáng sét tự nhiên và ứng dụng trong lĩnh vực môi trường: kaolin, smectit, mica, khoáng sét biến tính.

Khoáng sét trong đất

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn