Nhiên liệu sinh học từ vi tảo biển

Sách “Nhiên liệu sinh học từ vi tảo biển và một số ứng dụng ở Việt Nam”.

Tác giả: Đặng Diễm Hồng

Năm xuất bản: 2017

Thuật ngữ “nhiên liệu sinh học” dùng để chỉ các nhiên liệu dạng lỏng (ethanol, methanol, diesel sinh học, Fischer - Tropsch diesel) hoặc khí (hydro và metan) dùng cho các phương tiện vận chuyển và chủ yếu được sản xuất từ sinh khối. Nhiên liệu sinh học được gọi là nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và có tiềm năng thay thế cho nhiên liệu hoá thạch trong tương lai.

Cho đến nay, nhiên liệu sinh học đã và đang trải qua 3 thế hệ chính. Thế hệ thứ nhất được sản xuất từ đường, tinh bột, dầu thực vật và mỡ động vật sử dụng các công nghệ truyền thống. Thế hệ thứ hai sử dụng các nguồn nguyên liệu phế thải của nông nghiệp hay các cây nhiên liệu được trồng trên đất bạc màu, bỏ hoang. Và thế hệ thứ 3 - thế hệ được cho là có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề đang tồn tại dựa trên nguồn nguyên liệu từ sinh khối tảo. Gần đây, khái niệm “nhiên liệu sinh học thế hệ thứ 4” được dùng để chỉ nguồn nhiên liệu được sản xuất từ tảo đã được biến đổi bằng kỹ thuật di truyền hoặc chuyển hoá trao đổi chất (engineered algae).

Vi tảo là những vi sinh vật nhân sơ hoặc nhân chuẩn có khả năng quang hợp thải ôxy. Chúng hấp thụ, chuyển đổi năng lượng ánh sáng, nước và CO2 thành sinh khối tảo và thải ra khí O2 thông qua phản ứng quang hợp. Vi tảo có mặt ở rất nhiều hệ sinh thái khác nhau trên trái đất. Hiện nay, người ta ước tính có trên 50.000 loài tồn tại nhưng mới có khoảng 30.000 loài được nghiên cứu. Vi tảo có thể cung cấp các dạng năng lượng tái sinh khác nhau như khí metan, hydro, diesel sinh học và ethanol. Việc sử dụng tảo để sản xuất nhiên liệu sinh học vừa tạo ra năng lượng lại thân thiện với môi trường do có thể sử dụng các nguồn nước thải để nuôi tảo, giảm phát thải khí CO2 - một trong các khí thải gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Có nhiều lý do khiến nhiên liệu sinh học trở nên quan trọng với nhiều quốc gia, cả những nước đang phát triển và phát triển bởi mối liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng, môi trường, dự trữ ngoại tệ và những lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Sách trình bày các nội dung:

- Vi tảo sản xuất dầu, bể phản ứng quang sinh kín (PBRs), nuôi sinh khối tảo công nghiệp, chiết xuất dầu từ sinh khối tảo, chuyển đổi dầu tảo thành diesel sinh học, công nghệ nano trong sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo, nuôi trồng vi tảo biển.

- Sản xuất diesel sinh học từ một số chi vi tảo biển quang tự dưỡng Chlorella, Nannochloropsis, Tetraselmis và chi vi tảo biển dị dưỡng Schizochytrium phân lập từ vùng biển Việt Nam.

- Nhuộm lipit bằng Nile Red; axit béo bão hoà, không bão hoà một nối đôi và đa nối đôi; quy trình quản lý bình lên men.

- Giảm giá thành sản xuất nhiên liệu sinh học từ vi tảo biển của Việt Nam, sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất diesel sinh học, Glycerol, vi tảo biển dị dưỡng sinh dầu S. mangrovei, vi khuẩn lam giàu dinh dưỡng Spirulina platensis.

Ghi tài liệu tham khảo theo IEEE:

[1] Đ. D. Hồng, Nhiên liệu sinh học từ vi tảo biển và một số ứng dụng ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, 2017.

Nhiên liệu sinh học từ vi tảo biển

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn