PLC

Sách “Bộ điều khiển logic khả trình PLC và ứng dụng”.

Tác giả: Nguyễn Văn Khang.

Năm xuất bản: 2015.

Bộ điều khiển logic khả trình PLC là thiết bị điện tử bán dẫn thực hiện các hàm điều khiển logic bằng chương trình thay thế cho các mạch logic kiểu rơ le (tiếp điểm và phi tiếp điểm). Hoạt động của PLC dựa trên nguyên tắc quét vòng. PLC đọc các tín hiệu logic từ các cổng vào, ví dụ: phím bấm, tiếp điểm, tín hiệu ra của các cảm biến…, thực hiện hàm điều khiển logic bằng chương trình và gửi kết quả đến cổng ra để điều khiển các cơ cấu chấp hành, ví dụ: cuộn dây rơ le, đèn, van điện tử…

Về bản chất, PLC là hệ vi xử lý được thiết kế tương tự máy tính số, với ngôn ngữ lập trình riêng gần gũi với người sử dụng, được ứng dụng trong các bài toán điều khiển logic. Hạt nhân của hệ là bộ vi xử lý thực hiện các phép tính số học và logic cùng với các thành phần cấu thành hệ như bộ nhớ, các cổng vào/ra,…

Về phạm vi ứng dụng, PLC là thiết bị đặt tại dây chuyền sản xuất, tích hợp với các thành phần của hệ thống điều khiển để thực hiện điều khiển trực tiếp công nghệ một quá trình kỹ thuật. PLC thường làm việc trong môi trường rất khắc nghiệt (nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, thời gian hoạt động liên tục) và gắn liền với người vận hành trực tiếp thiết bị. Vì vậy, PLC được thiết kế và chế tạo với các tiêu chuẩn đặc biệt về độ bền, tính module hoá cao, ngôn ngữ lập trình phù hợp và thân thiện với trình độ người sử dụng.

PLC được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống tự động hoá công nghiệp. PLC trở thành một phần cơ bản để tích hợp hệ thống điều khiển các dây chuyền sản xuất. PLC được sử dụng không những trong các bộ điều khiển logic mà còn trong các bộ điều khiển quá trình, tích hợp trong các hệ điều khiển phân tán (DCS) và các hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu (SCADA).

Chủng loại PLC rất phong phú từ nhiều nhà sản xuất, nhiều hãng cung cấp thiết bị. Một số họ PLC do hãng sản xuất chuyên dùng để tích hợp trong các hệ thống của chính họ. Một số họ PLC có tính thương mại, phục vụ các nhà thiết kế và tích hợp hệ thống. Thậm chí, một số nhà sản xuất có thể đưa ra nhiều chủng loại PLC rất khác nhau đáp ứng nhu cầu thực tế. Có một đặc điểm chung là, nhà cung cấp PLC đồng thời là nhà cung cấp phần mềm, các công cụ lập trình, các sản phẩm liên quan và các giải pháp ứng dụng.

Sách trình bày các nội dung:

- Bộ điều khiển logic khả trình PLC (Programmable Logic Controller), quét vòng, PC, họ PLC thông dụng (Simatic của Siemens, Sysmac của Omron, PLC của Allen Bradley).

- Sơ đồ khối chức năng của hệ điều khiển PLC, các module vào/ra, địa chỉ hoá vào/ra, cấu hình hệ điều khiển logic PLC, tổ chức bộ nhớ và cấu trúc dữ liệu.

- Thiết kế hệ điều khiển dùng PLC, lập trình cho hệ điều khiển logic, giản đồ thang và phương pháp biểu diễn (LAD), biểu diễn chương trình bằng dãy lệnh (STL), lập trình các hàm logic cơ bản trên PLC, các bit đầu ra một và hai trạng thái ổn định, bộ định thời, bộ đếm, lập trình các khối phức hợp và các hàm số học.

- Ứng dụng điều khiển: đèn giao thông, dây chuyền đóng gói sản phẩm, máy khoan, quá trình rót/tháo, băng tải, chuyển động của robot, xe tự hành, tự động đóng mở cửa kho hàng, tự động cấp dầu bôi trơn, động cơ quay băng tải, bãi đỗ xe.

- Một số ứng dụng khác như mạch trễ On/Off, đếm tới 2000, bộ Timer với thời gian đặt tới 1000 giờ, mạch điều khiển cho máy đóng bao, phát hiện và loại bỏ sản phẩm lỗi, hiển thị mã lỗi, đo tuổi thọ dao cắt.

Ghi tài liệu tham khảo theo IEEE:

[1] N. V. Khang, Bộ điều khiển logic khả trình PLC và ứng dụng. Hà Nội: Nxb Bách Khoa Hà Nội, 2015.

PLC

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn