Trắc địa

Sách “Trắc địa”.

Tác giả: Vũ Thặng, Bùi Duy Quỳnh, Vũ Thái Hà.

Năm xuất bản: 2013.

Trắc địa là một môn khoa học nghiên cứu về các phép đo tiến hành trên bề mặt Trái đất, nhằm xác định vị trí tương hỗ giữa các điểm. Để thiết kế xây dựng, cải tạo công trình cần các tài liệu khảo sát: địa hình, địa chất, thuỷ văn… và các yêu cầu công nghệ. Tài liệu khảo sát địa hình hay còn gọi là tài liệu khảo sát mặt bằng, do Trắc địa cung cấp gồm: bản đồ, bình đồ, mặt cắt… Để thiết kế xây dựng cần tiến hành khảo sát ngoài thực địa, là bề mặt thực của trái đất nơi sẽ xây dựng công trình. Tài liệu khảo sát địa hình, là khảo sát phần trên của mặt đất, do trắc địa thực hiện. Kết quả là các bản đồ, bình đồ, mặt cắt, gọi chung là tài liệu khảo sát địa hình.

Dựa vào tài liệu khảo sát địa hình, địa chất, thuỷ văn… và các yêu cầu công nghệ, các kỹ sư xây dựng tiến hành thiết kế công trình. Bộ hồ sơ thiết kế có đầy đủ các thông tin về công trình sẽ được xây dựng; trong đó có các thông tin về hình dạng, vị trí, kích thước… của công trình, hạng mục công trình, thậm chí của các chi tiết đặc trưng của công trình. Dưới con mắt của người trắc địa thì thiết kế là công trình được “xây ở trên giấy”. Việc tiếp theo của trắc địa là mang thiết kế ra ngoài thực địa, tiến hành đo, giúp người xây dựng xây công trình sao cho có hình dạng, vị trí, kích thước đúng như đã định trong hồ sơ thiết kế. Như vậy Trắc địa xây dựng có hai nhiệm vụ chính là Khảo sát địa hình và Trắc địa công trình.

Chúng ta đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác trắc địa xây dựng là một phần công việc không thể thiếu trong quá trình xây dựng các công trình hiện đại trên qui mô lớn. Trắc địa xây dựng đảm bảo công tác tổ chức, thiết kế, thực hiện các nội dung:

- Khảo sát địa hình khu vực xây dựng;

- Đo đạc, qui hoạch, quản lý đất đai;

- Đảm bảo công tác trắc địa trong quá trình thi công, nghiệm thu, quản lý, theo dõi chất lượng công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường, xây dựng thuỷ lợi và các dạng công trình xây dựng khác.

Sách trình bày các nội dung:

- Biểu diễn bề mặt Trái Đất, đo các yếu tố cơ bản (đo góc, đo khoảng cách, đo cao), lưới khống chế trắc địa: định hướng đường thẳng, hai bài toán trắc địa cơ bản, lưới khống chế trắc địa, xây dựng lưới khống chế mặt bằng, xây dựng lưới khống chế độ cao.

- Khảo sát địa hình, bố trí công trình, trắc địa trong các giai đoạn xây dựng công trình (lưới xây dựng, định vị công trình, chuyển trục lên tầng, trắc địa trong giai đoạn xây lắp công trình, công tác trắc địa khi xây dựng công trình cao, đo biến dạng công trình).

Ghi tài liệu tham khảo theo IEEE:

[1] V. Thặng, B. D. Quỳnh, V. T. Hà. Trắc địa. Hà Nội: Nxb Xây dựng, 2013.

Trắc địa

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn