Chi tiết máy

Sách “Thiết kế chi tiết máy”.

Tác giả: Nguyễn Trọng Hiệp, Nguyễn Văn Lẫm.

Năm xuất bản: 1998.

Nhà xuất bản: Giáo dục.



 

Thiết kế chi tiết máy là một quá trình sáng tạo. Để thoả mãn một nhiệm vụ thiết kế nào đó, có thể đề ra nhiều phương án khác nhau. Người thiết kế vận dụng những hiểu biết lý thuyết và kinh nghiệm thực tế để chọn một phương án thiết kế hợp lý nhất. Muốn làm được điều đó người thiết kế cần phải đề cập và giải quyết hàng loạt yêu cầu khác nhau về công nghệ, về sử dụng, có thể là trái ngược nhau. Vì vậy nên tiến hành tính toán kinh tế theo những phương án cấu tạo đã đề ra, cân nhắc lợi hại rồi chọn một phương án tốt nhất.

Thông thường khi thiết kế máy cần giải quyết đồng thời hai yêu cầu cơ bản sau:

- Máy được thiết kế phải thoả mãn những chỉ tiêu làm việc chủ yếu như sức bền, độ bền mòn, độ cứng…

- Giá thành chế tạo của máy rẻ nhất.

Những năm gần đây, người ta đề cập đến khái niệm “tính công nghệ” của cấu tạo các máy. Máy (hoặc chi tiết máy) có tính công nghệ cao có thể chế tạo trong những điều kiện công nghệ tương đối đơn giản, thời gian gia công ít và tiết kiệm nguyên vật liệu. Một quá trình công nghệ nào đó (quá trình chế tạo phôi, gia công cơ hay lắp ráp) không những chỉ phụ thuộc vào cấu tạo của vật phẩm mà còn phụ thuộc vào quy mô sản xuất, tức là sản lượng trong đơn vị thời gian. Thí dụ, trong sản xuất lẻ thường dùng phôi hàn, trong sản xuất hàng loạt và hàng khối thường dùng phôi đúc. Để gia công cơ khí các chi tiết máy trong sản xuất lẻ thường dùng các loại máy vạn năng, dao cắt đơn giản và không cần đồ gá đặc biệt, còn trong sản xuất hàng loạt lớn và hàng khối cần phải có các thiết bị chuyên dụng với những đồ gá đặc biệt. Các thí dụ trên chứng tỏ rằng sản lượng, công nghệ và cấu tạo của chi tiết máy có quan hệ mật thiết với nhau.


Ngoài những yêu cầu về khả năng làm việc chủ yếu, các chi tiết máy (hoặc máy) được thiết kế cần thoả mãn những điều kiện kỹ thuật cơ bản sau:

- Cơ sở hợp lý để chọn kết cấu các chi tiết và bộ phận máy. Thí dụ, cần dùng bộ truyền trục vít vì yêu cầu tỉ số truyền lớn, làm việc êm và khuôn khổ kích thước nhỏ…

- Những yêu cầu về công nghiệp tháo lắp như: lắp, tháo và điều chỉnh tiện lợi; giảm khối lượng các nguyên công bằng tay khi lắp; giảm thời gian lắp ráp.

- Hình dạng cấu tạo của chi tiết phù hợp với phương pháp chế tạo phôi gia công và sản lượng cho trước.

- Tiết kiệm nguyên vật liệu. Khi chọn vật liệu cần dựa vào những điều kiện sau: các chi tiết chủ yếu về khả năng làm việc của chi tiết; khuôn khổ kích thước và trọng lượng của chi tiết; điều kiện sử dụng (nhiệt độ, bụi bặm, ẩm ướt…); phương pháp chế tạo phôi và gia công cơ khí; giá thành của vật liệu. Ngoài ra, để tiết kiệm nguyên vật liệu cần chọn hợp lý ứng suất cho phép và hệ số an toàn.

- Dùng rộng rãi các chi tiết, bộ phận máy đã tiêu chuẩn hoá. Bởi vì, càng dùng nhiều các chi tiết và bộ phận tiêu chuẩn thì giá thành sản phẩm càng giảm, tiết kiệm nguyên vật liệu và bảo đảm thay thế nhanh chóng các chi tiết và bộ phận máy bị hư hỏng (tăng hiệu suất sử dụng thiết bị).

- Bảo đảm bôi trơn thường xuyên các chỗ ăn khớp, các bề mặt tiếp xúc.

- Bảo đảm khe hở cần thiết giữa các chi tiết máy.

Ngoài những điều trình bày ở trên, khi thiết kế cần lưu ý đến vấn đề an toàn lao động và hình thức của sản phẩm.


Sách trình bày các nội dung:

- Khái niệm thiết kế máy và chi tiết máy, tính toán động học và chọn động cơ điện.

- Truyền động: bánh răng, trục vít, đai, xích.

- Thiết kế: trục, gối đỡ trục, cấu tạo các chi tiết máy.

- Tính then, khớp nối, bôi trơn và lắp hộp giảm tốc.

Chi tiết máy

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

Logo Bottom

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM           Tel: 38647256 ext. 5419, 5420           Email: thuvien@hcmut.edu.vn

© Copyright 2018 Thư viện Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh 

Thiết kế website Webso.vn